Số tiền đầu tư được tiết lộ qua hồ sơ nộp lên nhà chức trách Singapore. Như vậy, Alibaba đã rót vào Lazada tổng cộng 7 tỷ USD. Lazada hoạt động dưới trướng Global Digital Business của Alibaba, bộ phận đang quản lý cả AliExpress, Trendyol và Daraz.

Lazada đang chịu sức ép từ các sàn thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop. (Ảnh: Nikkei)

Với cấu trúc kinh doanh mới, mảng kinh doanh số toàn cầu của Alibaba sẽ do CEO Jiang Fan dẫn dắt. Các thành viên quản trị bao gồm Michael Evans, Eddie Wu Yongming và Trudy Dai Shan.

Ra mắt năm 2012, Lazada được Alibaba đầu tư lần đầu vào năm 2016 khi “ông lớn” Trung Quốc mua cổ phần kiểm soát. Hiện tại, Alibaba nắm hơn 80% cổ phần Lazada thông qua các khoản đầu tư liên tiếp.

Alibaba ghi nhận doanh thu tăng 2% trong quý IV/2022 và đồng ý tách bộ phận Cloud Intelligence cũng như tiếp tục bơm thêm tiền cho các mảng kinh doanh khác. Doanh thu quý từ các mảng thương mại quốc tế của tập đoàn tăng 29% so với một năm trước, lên 18,5 tỷ NDT do tổng đơn hàng trên các sàn Lazada, AliExpress, Trendyol và Daraz tăng 15% trong cùng kỳ.

Trong hồ sơ tài chính, Alibaba cho biết nhờ các chương trình gắn kết với khách hàng tại hầu hết khu vực, Lazada tiếp tục gia tăng cơ sở khách hàng. Công ty cũng cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng, giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng doanh thu.

Lazada đang đối mặt cạnh tranh khốc liệt từ Amazon và Sea, công ty mẹ Shopee. Trong khi đó, kình địch đồng hương JD.com lại tìm cách rút khỏi thị trường Đông Nam Á để tập trung vào quê nhà sau nhiều năm mở rộng. Liên doanh của JD.com tại Thái Lan và Indonesia thông báo dừng hoạt động từ ngày 3/3 và 31/3. Ngoài ra, TikTok Shop cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ, khiến cuộc đua thương mại điện tử trong khu vực thêm căng thẳng.

Lazada về chung nhà với Alibaba từ năm 2016 và tận dụng nguồn lực trong nghiên cứu phát triển công nghệ, logistics. Từ 160 triệu người dùng hiện tại, công ty muốn tăng lên 300 triệu vào năm 2030.

(Theo SCMP, Nikkei)